Sau hơn 3 tháng nghỉ dịch, hầu hết các trường học trên cả nước đã cho học sinh quay trở lại trường. Đa số phụ huynh đều trang bị cho con em mình rất nhiều các vật dụng cần thiết như khẩu trang, nước rửa tay, đặc biệt là mũ chống giọt bắn để đảm bảo an toàn sức khỏe mùa dịch. Tuy nhiên, sử dụng mũ chống giọt bắn khi đi học lại gây nên sự tranh cãi trên cộng đồng mạng thời gian gần đây.
Mục lục bài viết
1. Hình ảnh trẻ em đeo mũ chống giọt bắn ngày đầu đến trường: Dân mạng tấm tắc khen ngợi
Sáng ngày 4/5, học sinh, sinh viên trên khắp cả nước đã dần bắt đầu quay trở lại trường học. Trước đó nhiều ngày, nhà trường đã chuẩn bị chu đáo cho công tác phòng chống dịch bệnh.
Trong ngày đầu đến trường, để tránh tiếp xúc đông người khi sử dụng phương tiện công cộng, một số học sinh được cha mẹ chở đi học từ sớm, còn phần lớn học sinh, sinh viên sử dụng xe đạp, xe máy điện, thậm chí đi bộ.
Do đã được nhà trường tuyên truyền từ trước đó, các em học sinh đều chủ động các biện pháp phòng dịch cho bản thân như đeo khẩu trang, thậm chí là đeo mũ chống giọt bắn.
Hình ảnh trên là một học sinh trường THCS Phan Đình Giót, Hà Nội. Sau thời gian nghỉ dịch kéo dài, trong ngày đầu đến trường, nam sinh đã chuẩn bị rất chu đáo để bảo vệ sức khỏe bản thân. Ngay sau khi hình ảnh trên được chia sẻ trên mạng xã hội, đa số cộng đồng mạng đều khen ngợi ý thức tự giác của nam sinh này.
2. Học sinh đi học đeo mũ chống giọt bắn: An toàn hay khiến bất an?
Việc các lớp học cho học sinh đeo khẩu trang và đội tấm kính chống giọt bắn được xem như là một biện pháp phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng điều này là không cần thiết, thậm chí, ảnh hưởng tới sức khỏe học sinh.
2.1. “Không cần thiết, lãng phí”
Thầy Phạm Minh Khánh – Phó hiệu trưởng Trường THCS Văn Lang (Q.1, TP.HCM) cho biết, nhà trường tuân thủ các biện pháp chống dịch cho học sinh theo Chỉ thị của Thủ tướng chính phủ như đeo khẩu trang, ngồi giãn cách, rửa tay sát khuẩn thường xuyên,… chứ không yêu cầu học sinh phải đeo tấm kính chống giọt bắn. Thành phố đang làm rất tốt các biện pháp kiểm soát, phòng chống dịch bệnh, không có các ca nhiễm trong cộng đồng nên không nhất thiết phải cho học sinh đeo tấm kính chống giọt bắn khi đi học. Điều này là không cần thiết và lãng phí.
2.2. Nếu đeo trong giờ ra chơi thì được
Trao đổi với người sáng tạo ra cách làm tấm kính chống giọt bắn phòng chống dịch Covid – 19, bác sĩ Nguyễn Thanh Lâm – Giám đốc Phòng khám đa khoa Tâm An (Nhà Bè, TP.HCM) chỉ ra rằng: Việc học sinh đeo tấm kính chống giọt bắn trong lúc học về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến thị lực. Chính vì vậy, nếu có đeo, chỉ nên đeo trong giờ ra chơi, vì đây là khoảng thời gian ngắn, học sinh hay tụ tập, nói chuyện với nhau thì mới có nguy cơ.
Nên khuyến khích học sinh giữ khoảng cách an toàn, tốt nhất là làm các vách ngăn trong suốt chừng 50cm, bác sĩ Nguyễn Thanh Lâm cho biết thêm.
2.3. Phòng phải mát, học sinh mới học được
Cũng theo bác sĩ Lâm, các nhà trường phải nên bố trí lớp học thật mát, thông thoáng thì học sinh mới học tốt được. Nên để quạt hút không khí ra ngoài, để quạt đẩy không khí từ bên trong lớp ra ngoài để tạo luồng không khí trao đổi liên tục. Mở tất cả cửa sổ, cửa ra vào, tận dụng khí trời, có thể sử dụng máy lạnh ở nhiệt độ 25 độ.
3. Bộ GD-ĐT: Không có quy định bắt buộc đội mũ chống giọt bắn để phòng dịch
Chiều ngày 5/5, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ đã đề cập tới vấn đề này.
Ông Nguyễn Hữu Độ cho biết, việc đón học sinh quay trở lại trường phải đảm bảo tuân thủ các biện pháp phòng dịch COVID-19 của cơ quan chuyên môn. Bộ Giáo dục và đào tạo cũng có hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, xây dựng bộ tiêu chí về nhà trường an toàn được đánh giá theo mức độ. Trong đó có một số tiêu chí được đặc biệt quan tâm như phun thuốc khử khuẩn trường lớp, thiết bị dạy học, đeo khẩu trang đi học, giữ khoảng cách khi học sinh đi học, không tổ chức các buổi sinh hoạt đông người,…
Đồng thời, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định “Không có quy định nào bắt buộc học sinh phải đội mũ chống giọt bắn trong thời gian học tập ở trường”.
Việc một số nhà trường cho học sinh đeo mũ chống giọt bắn chỉ là sự sáng tạo riêng của trường đó, ông Độ cho biết. Như vậy, các nhà trường cần phải cân nhắc khi áp dụng các biện pháp phòng dịch, tránh gây khó khăn, mệt mỏi cho học sinh.